SỎI LỚN KHIẾN HAI QUẢ THẬN Ứ NƯỚC

Bà D. đến bệnh viện khám sức khỏe tổng quát, vô tình phát hiện hai quả thận và niệu quản có sỏi lớn gây ứ nước.

Mổ 2 lần mới lấy hết sỏi
Bà Đ.M.D. (65 tuổi, Bình Phước) chia sẻ thỉnh thoảng bà hơi đau tức vùng hông lưng nhưng nghĩ do tuổi cao. Một tháng trước, bà được con gái đưa đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM khám sức khỏe tổng quát, phát hiện cả hai quả thận và một bên niệu quản có sỏi và đều ứ nước.

Người bệnh cần qua hai lần mổ để lấy hết sỏi, giải phóng ứ nước cho từng bên thận, niệu quản và điều trị nhiễm trùng”, bác sĩ Hoan nói.

Lần thứ nhất, bác sĩ chỉ định phương pháp nội soi hông lưng lấy sỏi niệu quản bên phải. Ê kíp phẫu thuật dùng dao mổ rạch 3 đường nhỏ 1cm, đặt 3 trocar để đưa các dụng cụ mổ nội soi vào. Quan sát trên màn hình nội soi Karl Storz 3D/4K, ê kíp mổ cẩn thận bóc tách, tiếp cận, xẻ niệu quản, gắp sỏi ra ngoài rồi khâu vết mổ lại.

Sau đó, ê kíp đặt ống thông tiểu (sonde JJ) niệu quản hai bên nhằm điều trị nhiễm trùng, giải phóng ứ nước, chuẩn bị cho lần mổ thứ hai với bên thận còn lại.

2 tuần sau, bà D. được thực hiện lần mổ thứ hai với thận trái. Phương pháp được chỉ định là nội soi tán sỏi thận qua da bằng đường hầm nhỏ (Mini-PCNL).

Ê kíp mổ chọc cây kim nhỏ có gắn đầu dò tại hông lưng trái đến thận bà D. Tiếp đó, ê kíp rạch một đường 6mm tại vị trí chọc kim, đưa một ống nong vào tạo “đường hầm” dẫn thẳng đến bể thận với sự trợ giúp của đầu dò và máy siêu âm. Thiết bị tán sỏi laser được đưa vào qua “đường hầm”. Dưới tác dụng của năng lượng laser, viên sỏi san hô được tán thành những mảnh vụn nhỏ, mịn. Vụn sỏi được hút sạch ra ngoài qua “đường hầm”.

Một ngày sau mổ, bà D. không đau; ăn uống, đi lại bình thường; có thể xuất viện sau 2 ngày. Sau 2 tuần, bà cần đến bệnh viện tái khám, rút hai ống JJ. Trong thời gian này, bà được dặn không vận động mạnh.

Sỏi âm thầm hủy hoại thận
Bác sĩ Nguyễn Trường Hoan cho biết có nhiều loại sỏi thận khác nhau, được phân loại theo thành phần hóa học, gồm: sỏi canxi, sỏi oxalat, sỏi phosphat, sỏi axit uric, sỏi san hô, sỏi cystin. Thường gặp nhất là sỏi canxi. Trường hợp sỏi san hô như bà D. chỉ chiếm 7% – 15% số ca sỏi tiết niệu.

Sỏi san hô chỉ xuất hiện trong đài bể thận, hiếm gặp tại cơ quan khác trong hệ tiết niệu. Sỏi hình thành trong môi trường nhiễm khuẩn đường tiết niệu kéo dài, vi khuẩn phân giải urê trong nước tiểu thành ammonium, sau đó kết hợp với magie và phốt phát tạo thành sỏi. Do đó, sỏi san hô còn được gọi là sỏi nhiễm trùng.

Tuy ít gặp nhưng sỏi san hô là loại sỏi nguy hiểm nhất. Người bệnh sỏi san hô thường không có triệu chứng nào nên khi phát hiện, kích thước sỏi đã lớn, lấp kín đài bể thận. Các nhánh sỏi len lỏi vào các đài thận, cản trở nước tiểu di chuyển đến bể thận để đi xuống bàng quang, khiến thận ứ nước tiểu. Nếu không kịp thời lấy sỏi ra ngoài, giải phóng ứ đọng sẽ làm suy giảm chức năng thận, nguy cơ gây nhiễm trùng, ứ mủ trong thận, thậm chí có thể đe dọa tính mạng người bệnh.

Nội soi tán sỏi qua da bằng đường hầm nhỏ là phương pháp ưu tiên trong điều trị sỏi san hô. Trừ trường hợp sỏi quá lớn, nhiễm khuẩn nặng, phải mổ mở.

Khi tán sỏi san hô, bác sĩ cần cẩn thận, tỉ mỉ lấy sạch vụn sỏi ra ngoài. Chỉ cần một mảnh vụn còn sót lại cũng có thể hình thành sỏi mới theo thời gian.

Sau khi tán sỏi xong, người bệnh cần hạn chế ăn mặn; giảm thịt; hạn chế thức ăn chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ; tăng cường uống nhiều nước (1,5-2 lít/ngày); tránh sử dụng bia rượu, đồ uống có gas; tăng cường vận động vừa sức… để giảm nguy cơ tái phát sỏi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *