Sỏi lớn gây tắc nghẽn trong niệu quản khiến nước tiểu ứ đọng trong thận trái, dù người bệnh không có triệu chứng gì.
Sỏi lớn gấp 7 đường kính lòng niệu quản
Ông H.Đ.B. (72 tuổi, TP.HCM) đi khám sức khỏe, bác sĩ phát hiện có sỏi lớn trong đoạn đầu của ống dẫn nước tiểu từ thận trái xuống bàng quang (niệu quản trái) gây ứ nước thận, cần điều trị sớm. Ông và người nhà bất ngờ vì trước đó ông không có biểu hiện gì, không đau, ăn uống bình thường và tập thể dục 30 phút mỗi ngày.
Chưa từng nằm viện nên ông B. lo lắng khi lần này phải nhập viện để phẫu thuật điều trị sỏi. Ông tham khảo nhiều nguồn thông tin, nhiều bệnh viện và quyết định đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM điều trị.
“Sỏi bịt kín niệu quản, cản trở đường nước tiểu đi xuống bàng quang khiến đoạn niệu quản trên sỏi và toàn bộ các đài thận và bể thận giãn lớn tích tụ nước tiểu”, bác sĩ Cương giải thích.
Bác sĩ cho biết thêm thận ứ nước làm tăng áp lực sau thận, chức năng lọc máu của thận sẽ bị suy giảm. Nếu điều trị sớm, chức năng thận có thể phục hồi nhưng nếu để lâu, nhu mô thận tổn thương, thận có thể teo nhỏ, chức năng không phục hồi ngay cả khi thận giảm ứ nước sau khi giải quyết tắc nghẽn.
Với trường hợp ông B., có các chọn lựa phẫu thuật sau: phẫu thuật nội soi qua các lỗ nhỏ ở thành bụng để mở ống niệu quản lấy sỏi hoặc nội soi ngược dòng theo đường tiểu tán sỏi niệu quản bằng laser. Nội soi tán sỏi niệu quản không có vết mổ, hồi phục nhanh, xuất viện sớm trong 24 giờ sau phẫu thuật. Tuy nhiên, do sỏi nằm khá cao, gần thận nên có thể gặp một số trở ngại như: không tiếp cận được sỏi nếu ống niệu quản bị hẹp hoặc sỏi di chuyển ngược lên thận. Khi đó, việc điều trị sẽ trở nên phức tạp hơn. Người bệnh sẽ được đặt 1 ống thông JJ trong niệu quản, 2 tuần sau mới tán sỏi.
Ông B. mong muốn “được phẫu thuật nhẹ nhàng, không đau, mau hồi phục” nên nội soi ngược dòng tán sỏi bằng laser là phương pháp điều trị phù hợp.
Bác sĩ dùng 1 ống soi nhỏ, đường kính 3-3,5mm, đưa vào trong đường dẫn tiểu, quan sát qua màn hình và màn tăng sáng (máy chụp X-quang C-Arm) tiếp cận sỏi. Để tránh trường hợp sỏi di chuyển lên thận, bác sĩ đặt một dụng cụ gọi là rọ dùng để bắt sỏi, cố định không để sỏi di chuyển. Sỏi được tán thành nhiều mảnh nhỏ dưới 3mm bằng công nghệ laser Holmium công suất cao và lấy ra ngoài.
Sau khi lấy sạch sỏi, bác sĩ đặt 1 ống thông JJ vào niệu quản để phòng ngừa các trường hợp như: thành niệu quản phù nề, có cục máu đông hoặc những sỏi nhỏ sau khi tán di chuyển xuống tạo thành chuỗi sỏi gây tắc nghẽn. Ống thông JJ sẽ được bác sĩ lấy ra sau phẫu thuật từ 2-4 tuần khi tái khám.
Ê kíp phẫu thuật bắt đầu đưa dụng cụ tán sỏi di chuyển theo ống niệu đạo, vào bàng quang, sau đó đưa lên lỗ niệu quản dưới hướng dẫn của dây dẫn guidewire và X-quang. Sỏi lớn kẹt ở niệu quản đoạn lưng, nhìn thấy rõ qua màn tăng sáng của máy C-Arm. Qua màn hình nội soi Karl Storz 3D/4K của Đức, bác sĩ quan sát rõ hình dạng, màu sắc và kích thước của sỏi.
Viên sỏi màu xám đen, cứng tương ứng với đậm độ sỏi trên 1.000HU khi chụp cắt lớp vi tính CT, nên cần dùng năng lượng laser lớn, khoảng 1,2-1,6J (thông thường chỉ 0,8-1,2J). Viên sỏi vỡ vụn thành nhiều mảnh nhỏ như hạt cát, bác sĩ dùng rọ bắt một số mảnh sỏi lấy ra ngoài, phần còn lại sẽ được đào thải qua đường nước tiểu.
Chưa đầy 24 giờ sau phẫu thuật, ông B. hồi phục, ăn uống tốt, đi lại nhanh nhẹn và được bác sĩ cho xuất viện. Trước khi về, ông bắt tay cảm ơn bác sĩ Cương cùng ê kíp mổ, cho biết: “Tôi rất hài lòng khi điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh”.
Khám ngay nếu gia đình có người bị sỏi
Bác sĩ Nguyễn Tân Cương cho biết thường sỏi niệu quản hình thành do sỏi từ trên thận rơi xuống và bị kẹt ở một vị trí nào đó, hay gặp ở các vị trí hẹp tự nhiên của niệu quản như khúc nối bể thận và niệu quản (10%), vị trí niệu quản bắt chéo bó mạch xương chậu (20%) hay chỗ nối niệu quản với bàng quang (70%).
Đối với sỏi niệu quản nhỏ dưới 5mm, có thể đào thải ra khỏi cơ thể theo dòng nước tiểu mà người bệnh không nhận ra.
Trường hợp sỏi kẹt trong niệu quản, người bệnh đối mặt cơn đau hông lưng dữ dội, xuất hiện đột ngột, còn gọi là cơn đau quặn thận. Ngoài ra, người bệnh còn có thể buồn nôn hoặc nôn, tiểu nhiều lần, tiểu máu (nước tiểu có màu hồng hoặc khi xét nghiệm nước tiểu có hồng cầu). Nếu tắc nghẽn dẫn đến thận ứ nước lâu ngày làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn và suy giảm chức năng thận.
Khi có nhiễm khuẩn tiết niệu, người bệnh sốt, rét run, tiểu gắt buốt; cần giải quyết tắc nghẽn ngay, tránh nhiễm khuẩn máu, có thể đe dọa tính mạng và làm suy giảm nhanh chóng chức năng thận.
Với sỏi dưới 5mm, có thể điều trị nội khoa trong khoảng 2-4 tuần. Sỏi lớn hơn, thường cần phẫu thuật. Tùy vị trí, kích thước sỏi, các phương pháp điều trị sỏi niệu quản phổ biến gồm:
-Tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng xung kích với sỏi niệu quản có các đặc điểm sau: sỏi ở niệu quản ⅓ trên, kích thước dưới 12mm, đậm độ dưới 1000HU, thận ứ nước không nhiều (độ 1 hoặc độ 2).
-Nội soi ngược dòng tán sỏi niệu quản bằng laser.
-Phẫu thuật nội soi lấy sỏi: sỏi kích thước lớn trên 15mm, thận ứ nước lớn (độ 3 hoặc độ 4), hoặc khi có chống chỉ định nội soi tán sỏi do hẹp niệu quản hoặc có nhiễm khuẩn.
Trong đó, nội soi ngược dòng tán sỏi bằng laser là phương pháp điều trị sỏi niệu quản phổ biến nhất, ít xâm lấn (không có vết mổ), hồi phục nhanh, an toàn và hiệu quả cao.
Sỏi niệu quản và sỏi thận có cùng cơ chế bệnh sinh, có thể phòng ngừa bằng cách uống đủ nước (2-3 lít/ngày); hạn chế ăn mặn, thức ăn chế biến sẵn, thực phẩm nhiều oxalat (phô mai, rau chân vịt, nước chè đặc, củ cải…), bia rượu, đồ uống có gas…
Trong gia đình có người từng bị sỏi tiết niệu, đặc biệt là sỏi thận ở người trẻ tuổi, sỏi ở cả hai thận hoặc có bệnh rối loạn chuyển hóa tạo sỏi… nên đi khám sức khỏe định kỳ mỗi 6-12 tháng để phát hiện sớm và có biện pháp điều trị hiệu quả ngay từ lúc sỏi còn nhỏ; tránh biến chứng thận ứ nước, nhiễm khuẩn và suy giảm chức năng thận.