Sỏi tiết niệu là một bệnh lý thường gặp tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Nếu không được điều trị sớm, sỏi tiết niệu có thể gây ra nhiều biến chứng rất nguy hiểm cho cơ thể. Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu các loại sỏi tiết niệu được phân loại như thế nào, nguyên nhân hình thành, cách nhận biết và điều trị chúng.
Sỏi đường tiết niệu là bệnh gì?
Sỏi tiết niệu là tình trạng các khối chất rắn kết tinh xuất hiện trong hệ tiết niệu tại các vị trí như thận, niệu quản, bàng quang hay niệu đạo. Các loại sỏi tiết niệu thường hình thành trong thận, sau đó di chuyển theo nước tiểu đến các vị trí khác trong hệ tiết niệu. Sỏi đường tiết niệu có thể gây ra tình trạng tắc nghẽn, nhiễm trùng đường tiểu. Nếu không được điều trị kịp thời, các biến chứng do sỏi tiết niệu gây ra sẽ ngày càng nguy hiểm hơn.
Sỏi tiết niệu là các tinh thể rắn kết tinh từ các khoáng chất trong nước tiểu bên trong hệ tiết niệu
Nguyên nhân hình thành sỏi tiết niệu
Sỏi tiết niệu được hình thành từ các chất như axit, muối và khoáng chất như canxi, oxalate, phốt phát, cystin, axit uric. Sỏi thận là do các chất này lắng đọng và kết tinh trong thận. Nguyên nhân hàng đầu là do thiếu nước trong thận để hoà tan các chất này, khiến chúng dần liên kết tạo thành các khối tinh thể mà chúng ta gọi là sỏi. Dưới đây là một số nguyên nhân khiến cơ thể hình thành sỏi tại thận:
-Không uống đủ nước.
-Tiêu thụ quá nhiều thịt và protein.
-Ăn thực phẩm nhiều muối (natri) hoặc đường.
-Bản thân hoặc gia đình có tiền sử bị sỏi thận.
-Thực đơn không cung cấp đủ hoặc thừa canxi.
-Người mắc các bệnh lý liên quan đến thận như nhiễm toan ống thận, cường tuyến cận giáp, giảm citrate niệu,…
-Sỏi thận cũng có thể hình thành vì bệnh nhân sử dụng một số loại thuốc để điều trị bệnh.
Việt Nam là nước nằm trong “vành đai sỏi” của thế giới, với tỷ lệ dân số mắc sỏi tiết niệu cao, chiếm từ 5% – 19,1%/tổng dân số. Nguyên nhân Việt Nam có tỷ lệ dân số mắc sỏi tiết niệu cao được dự đoán là do thói quen ăn mặn, nguồn nước sinh hoạt chứa nhiều chất khoáng (đặc biệt là canxi) và yếu tố cơ địa, di truyền của người Việt Nam.
Các loại sỏi tiết niệu thường gặp và cách nhận biết
Hiện nay, các loại sỏi đường tiết niệu được chia thành 4 loại lớn dựa trên các chất cấu thành sỏi. Ngoài ra, các loại sỏi tiết niệu cũng có thể được phân loại theo vị trí hiện tại của viên sỏi bên trong hệ tiết niệu bao gồm: sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quan và sỏi niệu đạo.
1. Sỏi canxi
Trong các loại sỏi tiết niệu thì sỏi canxi là loại sỏi phổ biến nhất, chiếm đến khoảng 85% số ca mắc sỏi tiết niệu. Sỏi canxi bao gồm 2 loại chính là:
Oxalate canxi: thường có màu sẫm, đen, cứng và góc cạnh.
Phốt phát canxi: thường có màu vàng nhạt, trắng đục, mềm, dễ tan hơn sỏi oxalate canxi.
Trong đó, sỏi oxalate canxi và phốt phát canxi chiếm tỷ lệ lần lượt là khoảng 70% và 15% trên tổng số trường hợp sỏi tiết niệu.
Một số nguyên nhân phổ biến khiến sỏi canxi hình thành là:
Tăng canxi niệu: Khi nồng độ canxi trong cơ thể dư thừa sẽ được thải trừ thông qua thận. Khi thận không thể thải trừ hết lượng canxi này, các chất khác như oxalate, phốt phát có thể liên kết với canxi tạo thành sỏi.
Cường tuyến cận giáp: Tuyến cận giáp có chức năng duy trì sự cân bằng của canxi trong máu và các mô thông qua việc điều chỉnh hoóc môn tuyến cận giáp. Tuy nhiên, cường tuyến cận giáp có thể gây ra tình trạng dư thừa canxi trong cơ thể, dẫn đến hình thành sỏi canxi trong thận.
Giảm citrate niệu: Citrate có chức năng ức chế sự kết tinh của canxi trong hệ tiết niệu. Khi citrate niệu giảm, nước tiểu sẽ bão hòa muối và canxi tạo điều kiện cho sỏi hình thành. Nguyên nhân giảm citrate niệu có thể do nhiễm khuẩn tiết niệu, hạ kali máu hoặc toan máu.
Toan hóa ống thận: Là tình trạng toan hóa và rối loạn điện giải giảm bài tiết ion hydro ở thận. Toan hóa ống thận có thể làm tăng canxi niệu, từ đó cũng tăng khả năng hình thành sỏi.
2. Sỏi axit uric
Sỏi axit uric (hay sỏi urat) chiếm khoảng 10% tổng số ca mắc sỏi tiết niệu, đây là loại sỏi phổ biến thứ hai sau sỏi canxi. Sỏi urat thường có màu cam gạch cua và hay tái phát. Nguyên nhân chính khiến sỏi urat hình thành là do độ pH trong nước tiểu thấp (dưới 5,5). Axit uric là chất chuyển hóa từ purine (có nhiều trong đạm động vật), được đào thải phần lớn ra khỏi cơ thể qua thận, tuy nhiên khi lượng axit uric trong thận quá nhiều, không kịp đào thải có thể dẫn đến tình trạng tạo ra sỏi urat.
Việc hấp thụ nhiều thực phẩm chứa nhiều purine như thịt đỏ, nội tạng, hải sản,… có thể dẫn đến tình trạng tăng axit uric trong cơ thể cũng như thận.
3. Sỏi struvite
Sỏi struvite còn gọi là sỏi nhiễm trùng hoặc sỏi san hô, loại sỏi này chủ yếu được hình thành và yên vị tại thận. Sỏi struvite được hình thành chủ yếu do nguyên nhân đường tiết niệu bị nhiễm trùng. Tuy sỏi nhiễm trùng chỉ chiếm khoảng 3% trên tổng số ca sỏi tiết niệu nhưng đây là lại loại sỏi nguy hiểm nếu không được điều trị sớm.
Sỏi struvite được hình thành do tình trạng nhiễm trùng kéo dài gây ra bởi các loại vi khuẩn có khả năng phân giải urê thành amoni. Amoni có khả năng kết hợp với phốt phát và magiê để tạo thành sỏi. Kích thước sỏi tăng lên sẽ dần lấp đầy khoảng trống trong bể thận, khi chụp CT hay X-quang sẽ có hình dáng giống với một khối san hô.
Dù nguy hiểm nhưng sỏi struvite lại không có nhiều triệu chứng rõ ràng như đau quặn thận, tiểu nóng rát, tiểu nhiều lần… đôi khi nước tiểu đục kèm với cảm giác đau lưng âm ỉ, chán ăn, mệt mỏi có thể là triệu chứng của loại sỏi này.
4. Sỏi cystin
Sỏi cystin (hay cystine) là loại sỏi xuất hiện khi tăng cystine niệu, thường có màu vàng nâu. Trong các loại sỏi tiết niệu thì đây là loại sỏi hiếm gặp nhất, chỉ chiếm từ 1 – 2% số lượng bệnh nhân. Nguyên nhân chính hình thành nên sỏi cystin là do đột biến đồng hợp tử trong gen SLC3A1 hoặc gen SLC7A9.
Các đột biến làm cho quá trình tái hấp thu cystine của cơ thể bị suy giảm, cystine phải được thải qua đường tiểu, từ đó làm tăng cystine niệu. Cystine tan kém trong nước tiểu có tính acid, khi nồng độ cystine vượt quá khả năng hòa tan của nước tiểu, các tinh thể cystine sẽ kết tủa tạo thành sỏi.
Sỏi cystine thường xuất hiện trong độ tuổi 10 – 30, thậm chí có những trường hợp ghi nhận sỏi xuất hiện ở trẻ sơ sinh. Dấu hiệu phổ biến nhất của loại sỏi này là các cơn đau quặn thận.
Các loại sỏi tiết niệu thường gặp
Sỏi tiết niệu có nguy hiểm không?
Nhìn chung, các loại sỏi tiết niệu không trực tiếp gây ra nguy hiểm, tiên lượng điều trị thường tốt và bệnh nhân phục hồi nhanh sau khi được tán hoặc lấy sỏi. Tuy nhiên, các biến chứng do không điều trị sỏi tiết niệu kịp thời có thể rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cả tính mạng của bệnh nhân.
Một số biến chứng mà các loại sỏi tiết niệu có thể gây ra cho cơ thể:
-Đau quặn thận.
-Thận ứ nước.
-Suy giảm chức năng thận, suy thận.
-Nhiễm trùng đường tiểu.
-Buồn nôn, chán ăn.
-Thường xuyên mệt mỏi, sức khỏe suy giảm.
-Gây phù cơ thể.
Đối với các biến chứng nặng suy thận, nhiễm trùng máu có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân.
Sỏi tiết niệu có điều trị được không?
Về cơ bản, các loại sỏi tiết niệu có thể được đào thải thông qua nước tiểu, đặc biệt là các viên sỏi nhỏ dưới 4mm, sỏi sẽ ra khỏi cơ thể một cách tự nhiên khá dễ dàng. Các viên sỏi nhỏ dưới 6mm thông thường có thể tự đào thải bằng cách uống nhiều nước hoặc uống thêm thuốc hỗ trợ tống xuất sỏi. Tuy nhiên, đối với các viên sỏi lớn, thường là trên 8mm hoặc sỏi nhỏ nhưng không thể tự đào thải trong thời gian dài thì việc can thiệp lấy sỏi chủ động là cần thiết.
Các phương pháp điều trị sỏi đường tiết niệu hiệu quả
Hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị sỏi thận cả nội trú và ngoại trú. Các bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng các loại sỏi tiết niệu trong cơ thể bệnh nhân như số lượng, độ lớn, có các biến chứng nguy hiểm hay chưa để lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp.
Một số phương pháp điều trị sỏi nội tiết phổ biến bao gồm:
Sử dụng thuốc: Bác sĩ có thể kết hợp nhiều loại thuốc như thuốc giảm đau, giãn cơ trơn, thuốc tăng độ kiềm – acid của nước tiểu, lợi tiểu,… để giúp bệnh nhân giảm đau và thải sỏi dễ dàng hơn.
Phẫu thuật nội soi: Các bác sĩ sẽ thực hiện nội soi qua ổ bụng, khả năng tán sỏi và lấy sỏi tốt, vết thương nhỏ, mau lành.
Tán sỏi nội soi ngược dòng: Bác sĩ sử dụng một ống nội soi thông qua đường niệu đạo để tán sỏi trong cơ thể thành các mảnh nhỏ và lấy sỏi ra ngoài. Tuy nhiên, phương pháp này khó có thể tiếp cận sỏi ở các vị trí cao như bể thận, đài thận.
Tán sỏi qua da: Bác sĩ sẽ mở trên da bệnh nhân một lỗ nhỏ để đưa ống tán sỏi vào trong thận. Với phương pháp này, bác sĩ có thể tán sỏi và hút trực tiếp sỏi ở các vị trí cao như bể thận, đài thận.
Tán sỏi ngoài cơ thể: Một đầu tán sỏi bằng sóng xung kích sẽ được cho tiếp xúc với vị trí của sỏi trong cơ thể. Sóng xung kích sẽ phá vỡ sỏi từ bên ngoài cơ thể để sỏi có thể được thải ra qua đường tiểu.
Mổ mở lấy sỏi: Được chỉ định với những trường hợp sỏi quá to, bác sĩ sẽ trực tiếp mổ để lấy sỏi và khâu lại. Đây thường là phương pháp cuối cùng được lựa chọn do có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân.
Cách phòng ngừa các loại sỏi tiết niệu
Cách phòng tránh các loại sỏi đường tiết niệu phổ biến và hiệu quả nhất chính là cung cấp đủ nước cho cơ thể. Lượng nước thường được khuyến nghị cho người bình thường là khoảng 2 lít nước một ngày. Ở những người đang có sỏi tiết niệu, bác sĩ có thể khuyến nghị uống nhiều hơn 3 lít nước một ngày để đẩy nhanh quá trình đào thải sỏi. Tuy nhiên, việc uống một lượng lớn nước trong thời gian dài cũng có thể gây hại cho cơ thể.
Bổ sung citrate cũng là một cách tốt để phòng tránh sỏi tiết niệu, vìkhi mà citrate có khả năng ức chế sự hình thành sỏi. Thiếu citrate niệu cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc tích tụ sỏi canxi.
Đối với người có tiền sử bản thân hoặc gia đình bị sỏi thận, cần lưu ý kiêng giảm một số thực phẩm:
Món ăn chứa nhiều muối, đường.
Các loại protein động vật, đặc biệt là thịt đỏ hay nội tạng động vật.
Thực phẩm chứa nhiều oxalate như rau muống, khoai lang, củ cải trắng…
Các loại thức uống như rượu bia, nước ngọt có thể làm tăng áp lực lên thận và khả năng tích tụ sỏi.
Một số câu hỏi liên quan
1. Chi phí điều trị sỏi tiết niệu có đắt không?
Chi phí điều trị sỏi tiết niệu phụ thuộc rất nhiều vào phương thức điều trị. Nếu sỏi nhỏ, ít có thể tống xuất dễ dàng bằng thuốc kết hợp với uống nhiều nước thì chi phí thường sẽ không cao.
Tuy nhiên, nếu cần đến các phương pháp yêu cầu phẫu thuật, chi phí có thể dao động vài triệu đến hàng chục triệu đồng cho một lần mổ. Chi phí điều trị sỏi còn phụ thuộc rất nhiều vào đơn vị thực hiện điều trị, bảo hiểm của người bệnh và phương thức điều trị được chỉ định. Ví dụ như phương pháp tán sỏi nội soi bằng ống mềm có thể lên đến hơn 30 triệu đồng cho một lần thực hiện vì chi phí thiết bị cao.