Ống sonde double J niệu quản (DJ stent) là vật tư y tế chuyên dụng dùng để đặt vào ống niệu quản của người bệnh gặp một số bệnh tiết niệu. Ống sonde JJ có thể lưu trong cơ thể người bệnh đến 12 tháng tùy theo tình trạng bệnh và loại ống sử dụng. Người bệnh nên tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ để rút hoặc thay ống. Nếu ống sonde này để quá lâu có thể gây biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe. Vậy ống sonde JJ niệu quản có tác dụng gì? Khi nào cần phải đặt ống này và ống có gây nguy hại gì không?
Sonde JJ niệu quản là gì?
Sonde JJ niệu quản là loại ống nhỏ 5-7Fr, dài 22-26cm. Ống rỗng bên trong, làm bằng silicon hoặc nhựa dẻo, 2 đầu cong hình chữ J nên còn gọi là ống JJ hay double J. Ống được đặt trong niệu quản (ống dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang), một đầu ống móc vào bể thận và đầu móc còn lại trong bàng quang. Khi ống nằm trong niệu quản giúp dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang hiệu quả.
Tác dụng của đặt Sonde JJ niệu quản?
Sonde JJ niệu quản có tác dụng ngăn ngừa hoặc điều trị tắc nghẽn niệu quản. Đôi khi niệu quản bị hẹp do chèn ép hoặc bị tắc nghẽn do sỏi, nước tiểu từ thận không xuống được và gây ứ nước thận. Ống sonde JJ này sẽ giúp dẫn lưu tốt nước tiểu từ trên thận xuống bàng quang tránh được nguy cơ tổn thương thận. Ống sonde JJ niệu quản còn được đặt trong nhiều phẫu thuật tiết niệu làm giảm nguy cơ tắc nghẽn niệu quản, giảm biến chứng rò nước tiểu và hẹp niệu quản sau phẫu thuật.
Ống sonde JJ là ống rỗng làm bằng silicon hoặc nhựa dẻo với thiết kế cong 2 đầu dùng để đặt trong niệu quản.
Khi nào nên đặt ống sonde JJ niệu quản?
Ống sonde JJ niệu quản có thể được dùng trong thời gian ngắn hoặc dài hạn tùy thuộc vào tình trạng bệnh. Những trường hợp bác sĩ chỉ định đặt ống sonde DJ niệu quản như sau:
Ống sonde JJ niệu quản thường được dùng sau khi loại bỏ sỏi thận, sỏi niệu quản giúp ngăn sự tắc nghẽn niệu quản sau phẫu thuật.
Đặt ống sonde JJ niệu quản sau phẫu thuật các bệnh lý thận và niệu quản phòng ngừa biến chứng sau phẫu thuật như tắc nghẽn niệu quản, rò nước tiểu …
Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ đặt ống sonde JJ niệu quản để điều trị hẹp niệu quản do:
– Cục máu đông.
– Ung thư xâm lấn, chèn ép niệu quản.
– Xơ dính sau phúc mạc, lạc nội mạc tử cung.
– Viêm đài bể thận cấp do sỏi tiết niệu.
Thời gian đặt ống JJ niệu quản trong cơ thể là bao lâu?
Để tối ưu hiệu quả điều trị và tránh những biến chứng không mong muốn, thời gian đặt ống sonde JJ niệu quản cần được tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Thông thường, thời gian lưu ống sonde JJ niệu quản trong cơ thể sẽ phụ thuộc vào:
Mục đích: người bệnh có thể được bác sĩ chỉ định rút ống sonde sau 2 tuần, 4 tuần, 3 tháng, 6 tháng. Một số trường hợp đặc biệt có thể kéo dài 15 – 18 tháng trong trường hợp ung thư, nếu lâu hơn sẽ thay ống sonde.
Chất liệu: các loại sonde JJ thông dụng có thể đặt được trong cơ thể tối đa 6 tháng. Loại sonde JJ chuyên dùng cho các bệnh nhân mạn tính cần đặt thời gian kéo dài hơn có hạn sử dụng lên tới 1 năm.
Thời gian đặt sonde JJ niệu quản cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ
Đặt ống sonde JJ niệu quản có an toàn không? Biến chứng?
Đặt ống sonde JJ niệu quản an toàn, đa số trường hợp người bệnh sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, trong khi một số trường hợp khác có thể gặp một số triệu chứng gây khó chịu, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày như: tiểu ra máu, tiểu gắt buốt, đau hông lưng.
Ống sonde JJ cọ xát vào lớp lót bên trong của thận, niệu quản, bàng quang gây chảy máu trong nước tiểu. Cuộn dây nằm trong bàng quang sẽ gây kích ứng bàng quang với các triệu chứng bao gồm: đi tiểu thường xuyên, nóng rát khi đi tiểu.
Ống đỡ rỗng nên một phần nước tiểu trào ngược từ bàng quang vào thận khi đi tiểu hoặc lúc bàng quang co lại gây khó chịu cho người bệnh. Các tác dụng phụ này có thể xảy ra khi còn đặt ống sonde JJ sẽ hết sau khi JJ được lấy ra.
Nếu đặt ống sonde JJ quá lâu sẽ đóng cặn, hình thành sỏi dọc theo nó sẽ dẫn đến tắc nghẽn thận, đau thận. Viên sỏi thận sẽ được loại bỏ bằng phẫu thuật, cũng chứa vi khuẩn, dễ dẫn đến nhiễm trùng tiết niệu.
Ưu và nhược điểm khi đặt ống sonde JJ niệu quản?
Sau đây là một số ưu và nhược điểm khi đặt ống sonde JJ niệu quản:
1. Ưu điểm
Ưu điểm của việc đặt ống sonde JJ niệu quản bao gồm: dễ dàng đưa vào niệu quản, người bệnh dung nạp tốt, tương thích và có độ bền sinh học, có khả năng chống đóng cặn, chống di chuyển, đặc tính dòng chảy tối ưu, có thể nhìn thấy bằng siêu âm, dễ thay đổi hoặc loại bỏ, giá cả phải chăng.
2. Nhược điểm
Nhược điểm của việc đặt ống sonde JJ niệu quản có thể xuất hiện một ít máu trong nước tiểu, cảm thấy khó chịu. Các triệu chứng này xảy ra sau khi đặt ống sonde JJ và sẽ cải thiện dần sau vài ngày. Tuy nhiên, một số trường hợp người bệnh sẽ cảm thấy khó chịu cho đến khi bác sĩ tháo ống đỡ động mạch. Người bệnh đi tiểu thường xuyên, đau ở thận, đặc biệt đi tiểu trong thời gian còn đặt ống đỡ động mạch sẽ dễ gây đau hơn.
Quy trình đặt ống sonde JJ niệu quản
Bác sĩ sẽ gây mê toàn thân trước khi đặt ống sonde JJ niệu quản. Đa số trường hợp, bác sĩ phẫu thuật sẽ luồn dụng cụ qua niệu đạo (ống dẫn nước đến bàng quang), chụp X-quang giúp xác định ống đỡ động mạch được đặt đúng vị trí, quá trình thực hiện khoảng 30 phút. Một số trường hợp bác sĩ sẽ gây tê cục bộ, chụp X-quang đặt từ thận xuống bàng quang.
Ống sonde JJ niệu quản có vai trò hỗ trợ việc dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang
Những lưu ý khi sử dụng ống sonde JJ niệu quản
Người bệnh nên hạn chế các hoạt động thể chất trong tuần đầu tiên sau thủ thuật. Nếu công việc của người bệnh không nặng nhọc, người bệnh có thể trở lại làm việc như bình thường trong vòng 24 giờ sau khi làm thủ thuật. Tuy nhiên, người bệnh nên đến bác sĩ tái khám theo chỉ định để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Người bệnh không nên quan hệ tình dục trong tuần đầu tiên sau khi đặt sonde JJ để giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.
1. Tác dụng phụ có thể gặp
Hầu hết các trường hợp đặt ống sonde JJ niệu quản đều thành công. Tuy nhiên, cũng hiếm khi xảy ra tình trạng tổn thương niệu quản, thủng niệu quản hoặc thận. Các tác dụng phụ khi đặt ống sonde JJ niệu quản bao gồm:
Chảy máu thận hoặc niệu quản.
Ống sonde JJ lệch khỏi vị trí ban đầu nên cần loại bỏ hoặc thay thế.
Người bệnh có cảm giác khó chịu ở khu vực bàng quang hoặc thận sau khi đặt ống sonde JJ nên được khám, điều trị.
Co thắt bàng quang (đau quặn), kích thích bàng quang hoặc đi tiểu thường xuyên.
Ống sonde JJ bị tắc nghẽn, gãy hoặc trật.
Nước tiểu có máu hoặc tiểu buốt .
Nhiễm trùng, đặc biệt nhiễm trùng đường tiết niệu.
2. Một số lời khuyên để giảm thiểu tác dụng phụ & biến chứng
Để giảm thiểu tác dụng phụ do ống sonde JJ gây ra, người bệnh nên thực hiện đặt ống tại bệnh viện uy tín, luôn tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ và rút ống đúng thời hạn.
Một số câu hỏi liên quan
Sau đây là một số câu hỏi liên quan về việc đặt ống sonde JJ niệu quản bao gồm:
1. Rút ống JJ niệu quản có đau không?
Không. Một số ống sonde JJ niệu quản ngắn hạn có dây treo bên ngoài niệu đạo, nơi nước tiểu chảy ra, bác sĩ sẽ nhẹ nhàng kéo dây để tháo ống sonde JJ niệu quản.
Nếu người bệnh cần đặt ống sonde JJ niệu quản trong vài tuần hoặc lâu hơn, ống sonde sẽ không có dây. Bác sĩ sẽ chụp X-quang hoặc siêu âm trước khi loại bỏ. Để rút ống sonde JJ, bác sĩ sẽ chèn ống nội soi qua niệu đạo, vào trong bàng quang.
Dùng kẹp nhỏ gắn vào ống soi bàng quang để bám vào ống đỡ động mạch để loại bỏ stent. Với những bác sĩ giàu kinh nghiệm quy trình được thực hiện đơn giản, nhanh chóng giúp người bệnh giảm đi cảm giác đau đớn.
2. Rút ống sonde JJ niệu quản mất bao lâu?
Rút ống sonde JJ niệu quản chỉ mất vài phút. Sau khi rút ống sonde, người bệnh có thể nằm theo dõi sau rút ống vài giờ, sau đó có thể về nhà ngay mà không cần nằm viện theo dõi. Ban đầu cơ thể sẽ xuất hiện những triệu chứng khó chịu nhưng sẽ biến mất sau khoảng 2 – 3 ngày.
3. Rút ống sonde JJ bao lâu thì quan hệ được?
Thông thường bác sĩ sẽ khuyến cáo sau khi rút ống sonde JJ khoảng tuần thứ 2 thì quan hệ tình dục được. Không nên quan hệ tình dục ngay khi vừa rút ống sonde JJ nhằm giảm nguy cơ nhiễm trùng tiểu.
Người bệnh có thể vận động hoặc làm việc bình thường, quan hệ tình dục sau khi rút ống sonde JJ niệu quản, miễn không cảm thấy khó chịu.
4. Ống sonde JJ đặt trong niệu quản có gây khó chịu không?
Có. Đặt ống sonde JJ trong niệu quản gây khó chịu cho người bệnh, ảnh hưởng đến hơn 80% người bệnh. Các triệu chứng có thể xảy ra khi đặt ống sonde JJ niệu quản bao gồm: đau sườn (19-32%), tiểu không tự chủ, tiểu khó (40%), tiểu gấp (57-60%), tiểu không hết (76%), đau trên xương mu (30%), tiểu ra máu (25%). Do đó, người bệnh nên thông báo với bác sĩ khi có những triệu chứng bất thường xảy ra.
Uống nhiều nước mỗi ngày trong thời gian đặt ống sonde JJ trong niệu quản.
Chăm sóc như thế nào trong thời gian đặt ống sonde JJ trong niệu quản?
Trong thời gian lưu đặt ống sonde JJ trong niệu quản, người bệnh có thể chăm sóc sức khỏe bằng cách:
Ăn uống với chế độ hợp lý.
Uống nhiều nước khoảng trên 2 lít nước mỗi ngày.
Vận động nhẹ nhàng, tránh mang vác nặng.
Tránh vận động quá sức.
Tập thể dục với các bài tập nhẹ, vừa sức.
Ống sonde JJ thường được đặt bên trong niệu quản khoảng 2 tuần, 1 tháng hoặc 1 năm. Đặc biệt, trường hợp ung thư hoặc hẹp niêu quản sẽ phải đặt sonde JJ trong thời gian dài và phải thay sonde mới mỗi năm/lần. Do đó, người bệnh nên tái khám đúng hẹn để bác sĩ kiểm tra, thay ống sonde JJ. Không để ống sonde JJ quá lâu sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ: hình thành sỏi xung quanh hoặc dọc theo ống sonde JJ, suy thận, tắc niệu quản hoặc nhiễm trùng.