CHỮA HẸP NIỆU QUẢN KHÔNG PHẪU THUẬT

Chị D. bị thận ứ nước do hẹp niệu quản nhưng sợ phẫu thuật, bác sĩ đặt ống nong rộng thế hệ mới, có thể tồn tại trong cơ thể 12 tháng.

Đau hông lưng do thận ứ nước
6 tháng trước, chị M.L.D. (35 tuổi, Bình Dương) bị đau âm ỉ hông lưng trái nhưng nghĩ do ngồi nhiều nên không đi khám, chỉ lên mạng tìm các bài tập yoga để tập tại nhà. Tuy nhiên, tập một thời gian, tình trạng đau lưng không thuyên giảm mà nặng hơn trước nên chị đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.

 

“Chị có tiền sử viêm niệu quản, tổn thương sau viêm để lại mô sẹo, theo thời gian, mô sẹo xơ dày lên bịt kín ống niệu quản”, bác sĩ Đạt giải thích và cho biết thêm nếu không điều trị hẹp niệu quản, giải phóng nước tiểu ứ đọng trên thận sớm, chị D. có nguy cơ hình thành sỏi thận, nhiễm khuẩn thận sinh mủ, suy giảm chức năng thận phải lọc máu, chạy thận.

Hiện nay, hẹp niệu quản có thể điều trị bằng nhiều phương pháp như nong niệu quản, phẫu thuật nội soi tạo hình niệu quản, nội soi xẻ hẹp niệu quản. Phẫu thuật tạo hình hay xẻ hẹp có thể loại bỏ hoàn toàn đoạn hẹp nên hiệu quả điều trị cao, nguy cơ tái phát hẹp thấp.

Tuy nhiên, chị D. không muốn “đụng chạm dao kéo” dù mổ nội soi xâm lấn tối thiểu, muốn điều trị nhẹ nhàng, ít đau. Từ nguyện vọng của chị D., bác sĩ Đạt tư vấn áp dụng phương án nong niệu quản bằng cách nội soi đặt sonde JJ. Phương pháp này buộc phải đặt ống trong thời gian dài và chị đồng ý. Trước đó, chị chưa từng đặt ống JJ.

Sau khi gây mê, ê kíp mổ bắt đầu thủ thuật. Hệ thống máy chụp X-quang di động C-Arm được sử dụng để hỗ trợ ê kíp xác định vị ống niệu quản. Thông qua hình ảnh trên màn hình nội soi Karl Storz 3D/4K rõ nét từng milimet, bác sĩ Đạt đưa ống sonde JJ đi qua niệu đạo đến niệu quản người bệnh. Theo quan sát, kích thước đoạn hẹp rất nhỏ, chỉ lớn hơn dây thăm dò nội soi (cỡ 1mm) một chút.

Bác sĩ Đạt cho biết loại sonde JJ được sử dụng cho chị D. có xuất xứ Mỹ, được đưa vào sử dụng 1-2 năm gần đây tại Việt Nam. Ống được làm từ vật liệu sinh học nên có khả năng tồn tại trong cơ thể lâu dài, lên tới 12 tháng. Khác với loại ống truyền thống (chỉ là một ống suôn thẳng), loại ống này có một đầu dạng rọ lưới đặt trong bàng quang, đầu còn lại nối với bể thận.

Khi gặp nước, đầu rọ lưới mềm ra, giảm kích thích bàng quang, nhờ đó, sau khi đặt ống này, người bệnh không gặp các vấn đề rối loạn đi tiểu do bàng quang bị kích thích quá mức như: đi tiểu nhiều lần, tiểu són, tiểu gấp, tiểu không hết… Ngoài ra, bề mặt ống cũng có khả năng hấp thụ nước tốt tạo sự mềm mại, giảm ma sát; tránh làm tổn thương niệu quản nên sau khi đặt, người bệnh không bị đau, khó chịu, khi mang ống trong thời gian dài.

Sau 15 phút, quá trình đặt sonde JJ hoàn thành, chị D. được xuất viện.

Cảnh giác cơn đau hông lưng
Bác sĩ Đạt cho biết hẹp niệu quản là bệnh tiết niệu khá phổ biến, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, giới tính. Tại khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, trung bình có khoảng 50-100 người bệnh đến khám do hẹp niệu quản mỗi tháng, trong đó, khoảng 60%-70% trường hợp được chỉ định đặt ống JJ niệu quản. Khoảng 15-20 trường hợp cần mang ống lâu dài nên được đặt loại ống giống chị D.

Niệu quản là đường ống dẫn nước tiểu được tạo ra từ hai quả thận xuống bàng quang. Chiều dài ống niệu quản 25-30cm, kích thước lòng trong niệu quản tự nhiên rất nhỏ, chỉ 2-3mm. Trên ống niệu quản có 3 đoạn hẹp tự nhiên (hẹp nhưng không gây bệnh) tại vị trí khúc nối niệu quản – bàng quang, khúc nối niệu quản – thận, đoạn niệu quản đi qua xương chậu.

Có nhiều nguyên nhân gây bệnh hẹp niệu quản như sẹo xơ hình thành sau viêm nhiễm (như trường hợp chị D.), do sỏi rớt xuống từ thận, chấn thương tai nạn, tổn thương sau phẫu thuật y khoa, khối u chèn ép, xạ trị điều trị ung thư (gọi chung là hẹp niệu quản mắc phải); hoặc do bẩm sinh.

Hẹp niệu quản diễn tiến âm thầm, khi thận ứ nước nhiều mới phát sinh biểu hiện đau thắt hông lưng, tiểu máu, tiểu khó, tiểu nhiều lần, nhiễm khuẩn tiết niệu tái phát nhiều lần. Thận ứ nước trong thời gian dài không được điều trị sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm đài bể thận, thận ứ mủ, suy giảm chức năng thận không phục hồi, teo thận.

Đặt ống JJ niệu quản là chỉ định đầu tiên trong điều trị hẹp niệu quản nhằm nhanh chóng giải phóng ứ nước, tránh tổn thương thận. Thời gian đặt ống JJ niệu tối thiểu kéo dài 3-6 tháng. Đối với người bệnh có khối u ung thư chèn ép gây hẹp niệu quản, phải đặt ống JJ cả đời, bác sĩ sẽ kế hoạch thay ống định kỳ, lựa chọn loại ống sử dụng lâu (từ 12 tháng trở lên) để tiết kiệm chi phí cho người bệnh.

Không thể phòng ngừa hẹp niệu quản bẩm sinh nhưng có thể giảm nguy cơ hẹp niệu quản mắc phải bằng cách: tránh chấn thương vùng chậu, quan hệ tình dục an toàn để tránh nhiễm khuẩn tiết niệu, điều trị viêm đường tiết niệu để tránh hình thành mô sẹo xơ, tránh hình thành sỏi thận (giảm ăn mặn, thịt động vật, uống nhiều nước…).

Bác sĩ Đạt khuyến cáo mọi người nếu đang bị đau hông lưng dai dẳng lâu ngày không hết, tiểu khó, tiểu nhiều, tiểu són, tiểu máu, nhiễm khuẩn niệu tái phát nhiều lần cần đến bệnh viện khám để tìm ra nguyên nhân, điều trị kịp thời, tránh để lâu ảnh hưởng đến chức năng thận.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *