Sỏi tiết niệu là bệnh lý thường gặp, tỷ lệ mới mắc hàng năm là 81,3 – 300/100.000 nam giới và 29,5 – 100/100.000 nữ giới (tuỳ theo từng nghiên cứu) với xu hướng ngày càng gia tăng. Trong sỏi tiết niệu, sỏi niệu quản thường gặp đứng hàng thứ 2 sau sỏi thận, chiếm khoảng 1/3 số bệnh nhân đến khám bệnh về sỏi tiết niệu. Sỏi có thể nằm ở đoạn 1/3 trên, 1/3 giữa hay 1/3 dưới của niệu quản, nhưng sỏi 1/3 dưới có tỷ lệ cao nhất. Sỏi có thể kết hợp với sỏi ở nhiều vị trí khác của đường tiết niệu, số lượng có thể 1 hoặc nhiều viên, có khi xếp thành chuỗi trong niệu quản.
Sỏi niệu quản cản trở lưu thông nước tiểu từ thận xuống bàng quang, nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời sẽ nhanh chóng gây thận giãn ứ nước, nhanh chóng làm giảm – mất chức năng thận bên có sỏi, cũng như biến chứng viêm bể thận – thận, dễ dẫn đến nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn đe doạ tính mạng người bệnh.
Chẩn đoán sỏi niệu quản cơ bản bao gồm các biện pháp: hỏi bệnh, diễn biến của cơn đau do sỏi (cơn đau quặn thận), khám vùng mạn sườn thắt lưng 2 bên, chụp X-quang hệ tiết niệu, siêu âm hệ tiết niệu, xét nghiệm nước tiểu, cấy nước tiểu tìm vi khuẩn…. Nhờ vào tính chất cản quang của sỏi mà có khoảng 90% sỏi niệu quản phát hiện được trên phim X-quang tiết niệu thường quy. Những trường hợp khó cần phải kết hợp với các biện pháp khác như chụp thận thuốc tĩnh mạch, chụp bể thận niệu quản ngược dòng, chụp cắt lớp vi tính, thậm chí có thể nội soi niệu quản để chẩn đoán.
Mục đích tối hậu của điều trị sỏi niệu quản là loại bỏ nguyên nhân gây tắc nghẽn niệu quản (viên sỏi, tình trạng viêm dính quanh niệu quản do sỏi…), tái lập lưu thông bình thường của đường dẫn niệu để bảo vệ chức năng thận, điều trị biến chứng và điều trị dự phòng các biến chứng có thể xảy ra của tắc nghẽn niệu quản do sỏi.
Trước những năm 1980, sỏi niệu quản có chỉ định phẫu thuật đều phải mổ mở lấy sỏi. Cùng với những tiến bộ của khoa học và công nghệ, điều trị sỏi niệu quản bằng các phương pháp ít xâm lấn như tán sỏi ngoài cơ thể, phẫu thuật nội soi, nội soi niệu quản ngược dòng được áp dụng ngày một phổ biến do những ưu điểm rõ ràng về tính an toàn và hiệu quả hơn so với phẫu thuật mở.
Nội soi niệu quản ngược dòng tán sỏi được áp dụng phổ biến nhất trên thế giới với những ưu điểm như hiệu quả cao ở mọi vị trí, kỹ thuật không quá phức tạp, săn sóc hậu phẫu nhẹ nhàng, bệnh nhân sớm hồi phục ra viện.
Tại Việt Nam, nội soi niệu quản ngược dòng tán sỏi đã được thực hiện từ những năm 80. Tuy nhiên phải tới những năm đầu của thế kỷ 21, kỹ thuật này mới thực sự phát triển mạnh, giữ vai trò chính trong điều trị sỏi niệu quản.
Về nguyên tắc, nội soi niệu quản ngược dòng tán sỏi áp dụng được cho tất cả sỏi niệu quản ở mọi vị trí, mọi kích thước. Trang thiết bị dụng cụ dùng trong kỹ thuật bao gồm: ống soi niệu quản, dây dẫn đường, nguồn năng lượng tán sỏi (xung hơi, laser, siêu âm), dàn máy phẫu thuật nội soi, máy chụp X-quang C-arm, bộ nong niệu quản, rọ/kìm gắp sỏi, ống thông niệu quản các cỡ…
Kỹ thuật nội soi niệu quản ngược dòng tán sỏi được thực hiện dưới vô cảm toàn thân (mê nội khí quản) hoặc tê tuỷ sống.
Trước tiên, ống soi niệu quản được đưa từ niệu đạo vào bàng quang, phẫu thuật viên quan sát hình ảnh trên màn hình nội soi, xác định lỗ niệu quản bên có sỏi và luồn dây dẫn đường lên niệu quản. Ống soi sau đó được đưa lên niệu quản theo dây dẫn đường để tiếp cận tới viên sỏi. Một số trường hợp khó tiếp cận sỏi cần phải quan sát đồng thời màn hình nội soi và màn hình X-quang tăng sáng. Khi phẫu thuật viên quan sát được sỏi trên màn hình nội soi, sỏi sẽ được tán vụn bằng năng lượng LASER (dây laser được đưa vào để tán sỏi qua một đường ống rỗng bên trong ống soi niệu quản, gọi là “kênh làm việc”), hoặc bằng que tán siêu âm, hoặc xung hơi. Sau khi sỏi đã vỡ vụn, các mảnh sỏi được gắp ra ngoài bằng rọ hoặc kìm gắp sỏi.
Nội soi niệu quản ngược dòng tán sỏi là phẫu thuật theo đường ống tự nhiên của cơ thể (đường dẫn nước tiểu) nên không có vết mổ, không có các tai biến – biến chứng của phẫu thuật mở lấy sỏi, đạt tỷ lệ sạch sỏi 100%. Bệnh nhân có thể ăn nhẹ sau phẫu thuật 3 – 6 tiếng đồng hồ và ra viện sau 12 – 24 tiếng theo dõi.