NIỆU QUẢN LÀ GÌ? CẤU TẠO, VAI TRÒ VÀ NHỮNG BỆNH LÝ THƯỜNG GẶP

NIỆU QUẢN LÀ GÌ? CẤU TẠO, VAI TRÒ VÀ NHỮNG BỆNH LÝ THƯỜNG GẶP
niệu quản

Niệu quản là gì?
Niệu quản là cơ quan hình ống, có cấu tạo bằng cơ trơn, thực hiện chức năng co bóp và vận chuyển nước tiểu từ thận đến bàng quang (mỗi niệu quản nối với một quả thận). Chiều dài niệu quản ở người trưởng thành khoảng từ 20 – 30cm. Đường ống này có thể bị tắc nghẽn và nhiễm trùng do nhiều nguyên nhân khác nhau. Các trường hợp không được điều trị kịp thời có nguy cơ dẫn đến tổn thương thận nghiêm trọng. (1)

niệu quản là gì

Vị trí của niệu quản nằm ở đâu?
Niệu quản nối thận với bàng quang. Nửa trên của mỗi niệu quản nằm trong ổ bụng, nửa dưới nằm trong khung chậu. (2)

Đặc điểm cấu tạo của niệu quản
Mỗi người có hai niệu quản nối với hai quả thận và bàng quang (cơ quan nằm trong khung chậu). Thận nằm bên dưới xương sườn, về phía giữa lưng. Cấu tạo thành niệu quản gồm có 3 lớp:

Lớp ngoài: Cấu tạo từ mô liên kết xơ.
Lớp giữa: Cấu tạo từ cơ trơn.
Lớp lót bên trong: Ẩm, thực hiện chức năng bảo vệ bề mặt các tế bào.
Niệu quản có thể xuất hiện một số biến thể giải phẫu như sau:

Niệu quản nhân đôi: Đây còn được gọi là thận kép, là một biến thể giải phẫu phổ biến nhất với hai niệu quản cùng xuất phát từ một quả thận.
Niệu quản lạc chỗ: Niệu quản không kết nối với bàng quang hoặc kết nối không đúng vị trí. Điều này dễ dẫn đến tình trạng nước tiểu chảy vào niệu đạo, âm đạo hoặc tuyến tiền liệt, gây ra tiểu không tự chủ.
U niệu quản: Đây là một dị tật bẩm sinh, khối u phát triển từ trong lòng niệu quản, to dần làm hẹp lòng niệu quản, dẫn đến hiện tượng nước tiểu lưu thông khó khăn, gây giãn đoạn niệu quản trên chỗ hẹp, giãn đài bể thận, lâu ngày tình trạng giãn ngày càng lớn sẽ gây ứ nước, ứ mủ thận, suy thận. Tình trạng này có thể điều trị bằng phẫu thuật.
Chức năng vai trò niệu quản
Niệu quản là một bộ phận của hệ tiết niệu. Chức năng chủ yếu là tạo ra các cơn co bóp đẩy nước tiểu ra khỏi thận và đi vào bàng quang. Cơ quan này hoạt động liên tục đảm bảo quá trình bài tiết diễn ra ổn định.

chức năng vai trò của niệu quản

Các bệnh lý thường gặp tại niệu quản
Một số bệnh lý niệu quản có thể do bẩm sinh, chấn thương hoặc nhiễm trùng. Điều này làm mất ổn định dòng chảy của nước tiểu từ thận đến bàng quang. Trong nhiều trường hợp, chất thải ứ đọng trong thận dẫn đến nhiễm trùng nghiêm trọng. Dưới đây là các tổn thương thường gặp nhất:

1. Hẹp niệu quản
Hẹp niệu quản gây tắc nghẽn nước tiểu, làm ứ đọng chất thải vào thận, dẫn đến tổn thương hoặc nhiễm trùng nghiêm trọng chơ cơ quan. Nguyên nhân có thể do chấn thương, sỏi thận, nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc khối u. Trong đó, tác nhân thường gặp nhất là sự tích tụ mô sẹo. Các triệu chứng điển hình bao gồm:

Đau bụng hoặc đau bên hông.
Tiểu ra máu.
Khó tiểu.
Buồn nôn.
Nhiễm trùng đường tiết niệu.
Tùy theo từng trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng phẫu thuật, nội soi, dẫn lưu thận quan da hoặc đặt stent.

2. Tắc nghẽn niệu quản
Tắc nghẽn niệu quản nếu không được điều trị có thể dẫn đến tổn thương thận. Một số nguyên nhân chủ yếu phải kể đến gồm:

Phì đại tuyến tiền liệt.
Sỏi thận.
Khối u.
Thai kỳ.
Rối loạn máu hoặc cục máu đông.
Sỏi niệu quản.
Dị tật bẩm sinh.
Trong trường hợp này, người bệnh có thể cảm thấy đau bụng hoặc bên hông, tiểu ra máu, phù chân, buồn nôn và giảm lượng nước tiểu. Bác sĩ thường chỉ định dùng thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng hoặc dẫn lưu, phẫu thuật nếu tình trạng tiến triển nghiêm trọng.

3. Ung thư niệu quản
Ung thư niệu quản là tình trạng khối u ác tính hình thành trong cơ quan này. Bệnh lý này thường không phổ biến, phần lớn xảy ra ở nam giới lớn tuổi. Đây đồng thời cũng là yếu tố nguy cơ của ung thư bàng quang.

Triệu chứng dễ nhận thấy là đau lưng dọc theo xương sườn, tiểu ra máu, đau khi đi tiểu, sụt cân và mệt mỏi. Tùy vào mức độ tiến triển của ung thư, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp, mục đích chủ yếu là loại bỏ khối u và các cơ quan xung quanh.

4. Trào ngược bàng quang niệu quản (VUR)
Đây là tình trạng nước tiểu chảy ngược ra khỏi bàng quang, đi qua niệu quản và quay trở lại thận. Nếu không được điều trị, hiện tượng trào ngược có nguy cơ dẫn đến huyết áp cao và tổn thương thận.

Triệu chứng phổ biến là tái phát nhiễm trùng đường tiết niệu, tiêu chảy, buồn nôn, táo bón, tiểu không tự chủ, khó tăng cân ở trẻ sơ sinh. Nguyên nhân chủ yếu do khuyết tật bẩm sinh (VUR nguyên phát) hoặc tắc nghẽn bàng quang, niệu quản, thần kinh (VUR thứ phát).

Bác sĩ thường chỉ định dùng thuốc kháng sinh kê đơn để điều trị tình trạng cấp tính. Đối với trào ngược bàng quang niệu quản thứ phát, người bệnh có thể cần dùng ống thông hoặc can thiệp phẫu thuật.

5. Nhiễm trùng đường tiết niệu
Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể gây ảnh hưởng đến bất kỳ cơ quan nào trong hệ tiết niệu, bao gồm cả niệu quản. Tình trạng này thường xảy ra do sự xâm nhập của vi khuẩn gây hại vào niệu đạo. Triệu chứng nhận thấy là đau, rát khi đi tiểu, tiểu tiện thường xuyên, không tự chủ. Phương pháp điều trị chủ yếu là dùng thuốc kháng sinh.

6. Sỏi niệu quản
Đây là tình trạng sỏi thận di chuyển qua niệu quản, hình thành khi chất thải tích tụ và dính thành khối cứng trong thận. Sỏi kích thước nhỏ có thể thuận lợi đi qua niệu quản, sỏi quá lớn sẽ bị mắc kẹt lại, gây tắc nghẽn con đường vận chuyển nước thiểu. Lúc này, người bệnh có thể nhận thấy những triệu chứng sau:

Đau khi đi tiểu.
Đau vùng bụng dưới và háng.
Có máu trong nước tiểu.
Nóng rát khi đi tiểu.
Sốt và ớn lạnh (xảy ra khi sỏi niệu quản dẫn đến nhiễm trùng).
Người bệnh nên uống nhiều nước để đào thải sỏi ra khỏi cơ thể một cách tự nhiên. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc giảm đau nếu sỏi gây đau đớn nghiêm trọng. Trong trường hợp phát hiện nhiễm trùng, thuốc kháng sinh là giải pháp tối ưu nhất. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể được điều trị bằng laser hoặc phẫu thuật.

bệnh sỏi niệu quản

Những lưu ý để luôn có một niệu quản khỏe mạnh
Dưới đây là một số thói quen tích cực trong chế độ ăn uống, sinh hoạt, tập luyện mỗi ngày, giúp duy trì niệu quản luôn khỏe mạnh:

1. Uống nhiều nước
Uống nhiều nước giúp cơ thể đi tiểu nhiều hơn, từ đó ngăn ngừa sỏi thận và sỏi niệu quản một cách hiệu quả. Hầu hết các bác sĩ đều khuyến khích đi tiểu 2,5 lít mỗi ngày để duy trì đường tiết niệu luôn sạch sẽ. Lượng nước cần uống mỗi ngày còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: cân nặng, khí hậu, thói quen tập thể dục thể thao… Đối với hầu hết mọi người, thói quen uống từ 2 – 3 lít nước mỗi ngày là phù hợp nhất. Màu sắc nước tiểu sẽ cho thấy cơ thể đang đủ, thừa hay thiếu nước:

Cơ thể được bổ sung đủ nước: Nước tiểu màu vàng nhạt, trong.
Cơ thể thiếu nước: Nước tiểu sẫm màu hoặc có bọt.

2. Kiểm soát cân nặng
Thừa cân là một trong những yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh sỏi (sỏi thận, sỏi niệu quản). Do đó, điều quan trọng là nên duy trì mức cân nặng hợp lý.

3. Ngủ đủ giấc
Ngủ đủ giấc sẽ giúp cơ thể được nghỉ ngơi và phục hồi ổn định. Thời gian ngủ mỗi đêm dưới 5 tiếng có thể tác động tiêu cực đến chức năng thận (chức năng thận chịu ảnh hưởng của chu kỳ thức – ngủ của cơ thể). Để có một giấc ngủ chất lượng, tốt nhất là nên tránh tiêu thụ rượu và caffein, nên thư giãn thoải mái trước khi ngủ kết hợp tập thể dục đều đặn trong ngày.

4. Tập thể dục
Thói quen tập thể dục có thể hình thành từ những hoạt động nhỏ hàng ngày như: đi bộ, đi xe đạp, khiêu vũ, làm vườn… Điều quan trọng là nên đặt mục tiêu tập luyện đều đặn ít nhất 150 phút mỗi tuần hoặc 75 phút đối với các hình thức vận động mạnh hơn.

5. Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng
Chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tổng thể và hệ tiết niệu, bao gồm cả niệu quản. Dưới đây là một số lưu ý liên quan đến thói quen ăn uống tích cực, cần tham khảo để duy trì cơ quan khỏe mạnh:

Giảm thực phẩm giàu Oxalate: Chế độ ăn nên giảm thực phẩm chứa nhiều Oxlate, đặc biệt là đối với người bệnh bị sỏi Canxi Oxalate (dạng sỏi phổ biến nhất). Nhóm này bao gồm: rau bina, củ cải Thụy Sĩ, các loại hạt, củ cải đường, đậu nành, socola và trà.
Giảm thực phẩm chứa đạm động vật: Cắt giảm đạm động vật trong thực đơn hàng ngày là giải pháp hữu ích cho một niệu quản khỏe mạnh. Chế độ ăn có thể thay thế thịt, trứng, cá bằng các loại đậu.
Giảm thực phẩm chứa nhiều Natri: Chế độ ăn ít Natri sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ hình thành sỏi. Hầu hết các loại thực phẩm chế biến sẵn đều chứa nhiều Natri, cần hạn chế tối đa.
Bổ sung thực phẩm giàu Canxi: Cá mòi, cá hồi, hạnh nhân, các loại đậu, rau lá xanh…
Cắt giảm lượng đường trong chế độ ăn uống: Chế độ ăn nhiều đường không trực tiếp gây hại cho thận nhưng chứa nhiều calo nên dễ dẫn đến tăng cân. Đây là một trong những yếu tố quan trọng gây ảnh hưởng đến thận, huyết áp và bệnh tiểu đường. Thay vào đó, thực phẩm lành mạnh như trái cây, rau củ quả có chứa đường tự nhiên là lựa chọn hợp lý hơn.
Có thể nói, việc điều chỉnh chế độ ăn uống là một phần quan trọng đối với việc ngăn ngừa sỏi thận, sỏi niệu quản. Điều này góp phần bảo vệ và duy trì một hệ tiết niệu luôn khỏe mạnh.

  • ăn gì để niệu quản khỏe mạnh

Các chuyên gia, bác sĩ của Trung tâm luôn tự tin làm chủ những kỹ thuật mới nhất, phát hiện sớm và điều trị hiệu quả các bệnh lý về thận, đường tiết niệu, giúp người bệnh rút ngắn thời gian nằm viện, hạn chế nguy cơ tái phát, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Với hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại hàng đầu trong nước và khu vực; Phòng mổ đạt tiêu chuẩn quốc tế; Cùng với khu nội trú và dịch vụ cao cấp 5 sao… Trung tâm Tiết niệu Thận học nổi bật với các dịch vụ thăm khám, tầm soát và điều trị tất cả các bệnh lý đường tiết niệu. Từ các thường gặp cho đến các cuộc đại phẫu thuật kỹ thuật cao.

Có thể kể đến phẫu thuật nội soi sỏi thận, ghép thận, cắt bướu bảo tồn nhu mô thận; cắt thận tận gốc; cắt tuyến tiền liệt tận gốc; cắt toàn bộ bàng quang tạo hình bàng quang bằng ruột non; cắt tuyến thượng thận; tạo hình các dị tật đường tiết niệu… Chẩn đoán – điều trị nội khoa và ngoại khoa tất cả các bệnh lý.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *